TCDN24H – Việc ‘Đào, phở và piano’ gây sốt là tín hiệu tích cực nhưng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm về vấn đề quảng bá những dự án phim ảnh do nhà nước đặt hàng.
Đào, phở và piano đang được xem là hiện tượng phòng vé chưa từng có của điện ảnh Việt. Sau khi gây sốt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phim được hai đơn vị tư nhân tình nguyện phát hành. Toàn bộ doanh thu bán vé sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, chuyên gia marketing và truyền thông Lê Quốc Vinh chia sẻ thẳng thắn về “hiện tượng” Đào, phở và piano.
Việc “Đào, phở và piano” gây sốt có thể xem là một việc hiếm thấy từ trước đến nay với một bộ phim do nhà nước đặt hàng. Những hiệu ứng mà bộ phim lan tỏa trong những ngày qua khiến ông suy nghĩ gì?
Với tôi, điều này một lần nữa chứng minh những sản phẩm do nhà nước đặt hàng là tác phẩm hay, sản phẩm đáng xem. Trước Đào, phở và piano, chúng ta đã có nhiều bộ phim hay, thậm chí có nhiều phim đạt giải quốc tế. Đó là những phim vừa mang tính chính trị, tuyên truyền vừa có tính giá trị nghệ thuật cao. Tuy nhiên những bộ phim này chỉ có một lượng khán giả nhất định.
Trong kinh doanh, vấn đề này thực ra là câu chuyện bình thường. Khi ra mắt sản phẩm nào, nhà sản xuất ít nhất cũng mong thu hồi vốn và sau đó là đặt ra mục tiêu lợi nhuận. Người có tư duy kinh doanh nào cũng nghĩ đến câu chuyện đó.
Sự việc Đào, phở và piano thể hiện rõ điều bất cập là chúng ta có sản phẩm nhưng lại không có ý định và kế hoạch phát hành rộng rãi, tìm kiếm doanh thu.
Tuy nhiên Đào, phở và piano cho thấy điều bất cập là chúng ta sản phẩm nhưng lại không có ý định và kế hoạch phát hành rộng rãi, tìm kiếm doanh thu. Với tôi đó là điều kỳ lạ!
Liệu điều kỳ lạ mà ông vừa nói đến có phải là một trong những nguyên nhân khiến bộ phim chưa thể tiếp cận đến đông đảo khán giả?
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành từng nói, chúng ta không có kinh phí để phát hành những bộ phim do nhà nước đặt hàng. Đây là một thực tế đáng buồn.
Khi nhà sản xuất làm xong một bộ phim, họ sẽ không có kinh phí để đầu tư cho marketing và đưa bộ phim tiếp cận đến đối tượng người xem phù hợp. Trong ngân sách nhà nước cũng chưa tính toán tới nguồn kinh phí đó.
Từ trước tới nay, dường như chúng ta chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới có khái niệm marketing cho một sản phẩm văn hóa. Theo tôi đây là một vấn đề bất cập trong công nghiệp văn hóa khi chúng ta chỉ chú tâm làm ra sản phẩm mà chưa nghĩ tới việc làm thế nào để đưa sản phẩm tiếp cận với công chúng một cách hiệu quả.
Bởi vậy nên nhà nước buộc lòng phải phát hành những bộ phim này trong hệ thống phòng chiếu của nhà nước. Với số lượng phòng chiếu của nhà nước ít ỏi, làm sao đến được với phần lớn công chúng?
Theo tôi, vấn đề này không phải đến từ một cá nhân. Đây là vấn đề ở một cơ chế đã lỗi thời. Điều đáng buồn là chúng ta biết chúng đã lỗi thời nhưng lại chưa có thay đổi như mong đợi.
Theo quan điểm của ông, chúng ta cần phải thay đổi cơ chế thế nào để những sản phẩm văn hóa như “Đào, phở và piano” có thể đến với đông đảo khán giả?
Chúng ta cần phải “cởi trói” cho những cơ chế. Cần thay đổ tư duy về cấp vốn cho một sản phẩm văn hóa của nhà nước theo một lối khác.
Tôi nghĩ, cần phải giao trách nhiệm và nguồn ngân sách đó cho một đơn vị chủ động khi kinh doanh sản phẩm văn hóa của nhà nước. Ngoài ra cũng cần bảo toàn đồng vốn do nhà nước bỏ ra.
Giống như một doanh nghiệp tư nhân, họ lấy tiền của các nhà đầu tư và phải làm sao để đầu tư hiệu quả nhất. Họ buộc phải có kế hoạch marketing để có lợi nhuận và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên với những sản phẩm của nhà nước, có thể yêu cầu không nên đặt quá cao, nhưng vẫn phải trao quyền cho nhà sản xuất để họ tự chủ cho việc kinh doanh sản phẩm văn hóa đó.
Nếu muốn làm điều này, chúng ta phải thay đổi rất nhiều những quy định đã lỗi thời trong hệ thống pháp lý của nhà nước. Nhà đầu tư có quyền điều tiết đồng vốn sao cho phù hợp nhất. Chúng ta cũng phải có sự chủ động nhất định trong việc ký hợp đồng phân phối sản phẩm đang làm với những hệ thống phát hành tư nhân, thậm chí cả những nền tảng như Netflix, FPT Play… để thu hồi vốn.
Muốn thay đổi điều này thì phải thay đổi cả cơ chế, không phải chỉ đơn giản là kêu gọi mọi người phát hành một cách lẻ tẻ. Người ta có thể làm được một phim, nhưng những phim sau thì sao?
Chỉ có những rạp kinh doanh không hiệu quả, họ sẵn sàng chiếu phi lợi nhuận để phục vụ cho mục đích thu hút khách. Tuy nhiên với những cụm rạp lớn như CGV, chắc chắn sẽ không thể hy sinh để phục vụ cho một sản phẩm nhà nước mà chẳng thu lại doanh số nào. Tôi nghĩ khi đã gọi là nền công nghiệp văn hóa thì chúng ta cần phải sòng phẳng với cơ chế thị trường.
Như ông đã nói, nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng có những tiềm năng lớn nếu biết cách quảng bá. Nếu chúng ta có một cơ chế hợp lý, liệu giấc mơ về việc những bộ phim như thế này đạt doanh thu trăm tỷ đồng có phải là điều quá xa vời?
Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể! Với một bộ phim được đầu tư, có chất lượng tốt thì hoàn toàn có khả năng tạo được doanh thu cao. Nếu chúng ta thật sự coi chúng như một sản phẩm, kinh doanh theo một cơ chế thị trường sòng phẳng thì không quá khó để tạo ra một doanh thu lớn, thậm chí là trăm tỷ đồng.
Điều quan trọng là tư duy của người quản lý là cần đầu tư và thu hồi chứ không chỉ để cho đi. Tư duy chỉ cung mà không cần biết làm thế nào để thu hồi nguồn vốn cần phải được phá vỡ. Nếu cho cơ chế kinh doanh thì chắc chắn nhà làm phim sẽ phải đi nghiên cứu thị trường, viết kịch bản hay sản xuất để phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Tôi tin việc đảm bảo cho đầu vào của một bộ phim nhà nước hoàn toàn là có thể.