DS&TH – Trong thời đại số hóa bùng nổ, nơi mọi thứ đều có thể được gõ nhanh trên bàn phím, truyền đi chỉ bằng một cú nhấp chuột, việc bảo tồn nét chữ viết tay tưởng chừng như điều xa xỉ. Nhưng giữa guồng quay ấy, vẫn có những con người lặng lẽ gìn giữ một giá trị tưởng chừng đã cũ – và làm mới nó bằng tất cả trái tim. Một trong số đó là cô giáo Ngụy Như Hoa – người sáng lập Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Stars Hội An.
Từ nét chữ đến nhân cách, giá trị vượt thời gian của chữ viết tay
Chữ viết tay không đơn thuần là một kỹ năng, mà là một phần lịch sử của văn minh nhân loại. Từ những khắc họa thô sơ trên đá, đất sét đến những dòng chữ trên giấy, chữ viết tay đã đồng hành cùng quá trình phát triển của con người. Nó từng là công cụ quan trọng để truyền bá tri thức, lan tỏa văn hóa, là nền tảng hình thành nên hệ thống giáo dục hiện đại.

Dù vậy, ở thời đại ngày nay, nơi công nghệ chiếm ưu thế, nhiều người đã dần quên đi cảm giác cầm bút và viết. “Thế nhưng, giá trị tinh thần của một lá thư tay, một bài viết nắn nót từng nét vẫn là điều không gì thay thế được”, cô giáo Ngụy Như Hoa chia sẻ. Cô nhấn mạnh: “Chữ viết tay không chỉ giúp lưu trữ thông tin mọi lúc, mọi nơi, mà còn là công cụ rèn luyện sự tập trung, tỉ mỉ – những phẩm chất quan trọng trong hành trình trưởng thành của một đứa trẻ”.
Nét chữ – Nết người: Cô giáo Ngụy Như Hoa tận tâm đồng hành cùng học viên
Tại Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Stars Hội An, cô giáo Ngụy Như Hoa không chỉ dạy học sinh cách viết chữ đẹp, mà còn gửi gắm vào từng con chữ những bài học làm người sâu sắc. Theo cô: “Rèn nét chữ, luyện nết người”, việc luyện chữ đẹp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phẩm chất và kỹ năng sống cho các em nhỏ. Thời gian nắn nót từng nét chữ đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì, từ đó rèn luyện tính kiên nhẫn, cẩn trọng trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đồng thời, khi chăm chút cho từng con chữ, học sinh dần phát triển tư duy thẩm mỹ, biết yêu cái đẹp và có xu hướng sáng tạo hơn trong cách thể hiện bản thân.

Ngoài ra, chữ viết đẹp cũng giúp nâng cao khả năng trình bày, khiến bài làm dễ đọc, rõ ràng và tạo thiện cảm với người đối diện – một lợi thế lớn khi các em bước vào những kỳ thi hay môi trường học thuật sau này. Khi đôi tay linh hoạt điều khiển ngòi bút, kỹ năng vận động tinh của trẻ cũng được phát triển, mang lại sự khéo léo và nhanh nhạy cần thiết cho nhiều hoạt động khác trong cuộc sống. Đặc biệt, một nét chữ đẹp và tự tin sẽ giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, trình bày suy nghĩ mạch lạc, rõ ràng.

Để học sinh yêu thích chữ viết tay, cô sử dụng những phương pháp trực quan sinh động như tô màu, viết tự do lên bảng hoặc nền gạch, học qua video, hình ảnh… và đặc biệt là luôn khuyến khích, động viên trẻ từ tâm lý. “Học mà chơi, chơi mà học. Trẻ cần được cảm nhận chữ viết bằng xúc giác để việc học không còn khô khan”, cô giáo Ngụy Như Hoa tâm đắc chia sẻ.

“Giữ chữ – giữ tâm” – Lan tỏa một giá trị không bao giờ lỗi thời
Từ vấn đề nhân sự, tuyển sinh đến sự thấu hiểu chưa trọn vẹn từ phụ huynh, mọi khó khăn đều được cô đón nhận bằng sự kiên trì và lòng yêu nghề. Có phụ huynh từng thắc mắc: “Sao dạy chậm vậy? Sao cứ viết đi viết lại mãi một nét?”, nhưng với cô, chất lượng không bao giờ được đánh đổi lấy tốc độ. “Đó là lương tâm nghề nghiệp. Vì bộ nét là cốt lõi của mọi nét đẹp”, cô quả quyết. “Có những học sinh chỉ cần một tháng để hoàn thiện kỹ năng, có em cần đến sáu tháng. Mỗi đứa trẻ là một hành trình riêng, mình phải hiểu và đồng hành đúng cách”, cô nói thêm.
Trên hành trình gìn giữ chữ viết tay, cô giáo Ngụy Như Hoa không chỉ là người dạy, mà còn là người truyền cảm hứng. Cô tin rằng, việc rèn chữ cũng là cách để rèn nết. “Để rèn tính nết, hãy bắt đầu bằng rèn chữ. Tâm mình đặt ở đâu, thì tầm mình sẽ ở đó”, cô tâm niệm.
Trong tương lai, cô mong muốn có thể lan tỏa tinh thần “giữ chữ – giữ tâm” đến nhiều thế hệ trẻ hơn, để từ đó mỗi đứa trẻ không chỉ học được cách viết đẹp, mà còn học cách sống đẹp, sống tử tế giữa xã hội hiện đại nhiều biến động.
30/4 – 1/5: Nhớ về truyền thống, hướng về tương lai
Nhân dịp ngày lễ 30/4 và 1/5 – những ngày kỷ niệm lịch sử đầy thiêng liêng, bài học từ cô giáo Ngụy Như Hoa như một lời nhắc nhở về việc giữ gìn giá trị cốt lõi của dân tộc. Giữa làn sóng số hóa, vẫn cần những ngọn đèn thắp sáng truyền thống, để mỗi nét chữ không chỉ là hình thức mà còn là linh hồn của cả một thế hệ.
Hẹn gặp lại quý độc giả trong các chuyên mục kỳ sau!