TCDN24H – Gác lại bảng trắng và giáo án sau lưng, Phiên dịch viên Y khoa Nguyễn Thu (sinh năm (1996) đang từng ngày đối mặt với sự sống và cái chết qua từng câu chữ trong vai trò Phiên dịch viên Y khoa. Một cuộc chuyển mình không dễ dàng, nhưng đầy quyết liệt và xúc cảm. Cùng chúng tôi theo dõi ngay trong chuyên mục ngày hôm nay!
Khi nỗi sợ trở thành động lực
Phiên dịch Y khoa luôn được xem là “mặt trận đầu” khắc nghiệt bậc nhất của nghề. Khác với những bản hợp đồng hay cuộc thương thuyết, đôi khi sai lệch một chút vẫn còn đường lùi – thì tại đây, mỗi từ ngữ đều có thể mang theo hệ quả sinh tử. Chính điều ấy, nghịch lý thay, lại trở thành chất xúc tác đầu tiên đưa chị Nguyễn Thị Thu chạm ngõ hành trình đầy rủi ro nhưng cũng không kém phần cao quý này.

Ca đầu tiên chị Thu đảm nhận là một bé sơ sinh bị táo bón. “Trộm vía ca đầu không quá khó, mình trụ được đến phút cuối. Ban đầu cứ nghĩ là may mắn, nhưng cũng le lói hy vọng có thể theo nghề lâu dài”, chị xúc động nhớ lại.
Niềm hy vọng mỏng manh ấy trở thành ngọn lửa nhiệt huyết cho đến ngày nay. Chị Thu đã dành hàng giờ lao vào học, nào là từ vựng chuyên sâu, thuật ngữ đặc thù, cho đến quy trình cấp cứu, giao thức y học, những buổi huấn luyện căng não và các bài kiểm tra đầu vào không cho phép bất kỳ sai sót nào. Sau hành trình “đập đi xây lại” ấy, chị vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao của hai đơn vị Phiên dịch Y khoa quốc tế là Propio Language Services và One World Global Services x Martti by UpHealth. Sự nỗ lực bền bỉ đã được hồi âm bằng cánh cửa mở ra một môi trường công việc khắt khe, nơi những cuộc hội thoại chất chứa hồi hộp, nhưng cũng đầy giá trị nhân văn và cao quý.

Từ cử nhân kinh tế đến hành lang bệnh viện – Phiên dịch viên Y khoa Nguyễn Thu từng bước hoàn thành tốt trách nhiệm
Ít ai ngờ, người phụ nữ đang miệt mài truyền đạt giữa bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân từng là giảng viên ngôn ngữ, tốt nghiệp Ngôn Ngữ Anh – Kinh Tế Quốc Tế, với ba năm kinh nghiệm phiên dịch thương mại cho doanh nghiệp B2B. “Chuyển từ dạy học và dịch hợp đồng sang Phiên dịch Y khoa giống như rẽ sang một thế giới hoàn toàn khác. Kiến thức nặng hơn, từ vựng mới hoàn toàn, mọi thứ phải học lại từ đầu”, chị Thu chia sẻ. Nhưng điều khó nhất không chỉ là kiến thức, mà còn là sức chịu đựng không chỉ về trí tuệ mà cả cảm xúc.

“Có một ca mình không bao giờ quên”, chị Thu chậm rãi kể. “Em rất xúc động vì cả phòng – các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân và người nhà – đều hồi hộp chờ quyết định: liệu bệnh nhân có muốn tiếp tục điều trị không, khi cơ hội phục hồi rất thấp”. Đó là khoảnh khắc quyết định sinh tử, nên không khí vô cùng căng thẳng. Cuộc họp diễn ra qua màn hình, có cả linh mục túc trực để đọc lời cầu nguyện nếu bệnh nhân chọn dừng điều trị để giúp họ ra đi thanh thản, hướng tâm về Chúa và tổ tiên. Trong khi mọi người xúc động, đôi mắt hoe đỏ, chị Thu vẫn phải truyền đạt thông tin một cách trung thực và bình tĩnh. Nhưng đôi tay chị vẫn run khi cầm bút, cố giữ sự chuyên nghiệp giữa cảm xúc xao động. “May mà dịch từ xa, nên không ai thấy mình run bần bật như vậy”, chị cười nhẹ, giọng vẫn còn đượm xúc động.
Không khuyên ai làm, nhưng sẵn sàng chia sẻ…
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phiên dịch viên Y khoa Nguyễn Thu không nhận mình là người truyền cảm hứng. Trái lại, chị thẳng thắn cho rằng đây là một nghề khó, đầy áp lực và mệt mỏi, đòi hỏi phiên dịch viên phải không ngừng trau dồi kiến thức.
“Nếu ai đó thực sự muốn theo nghề, hãy chắc chắn bạn đủ kiên trì, dám học và chấp nhận bước vào một thế giới nơi mọi lời nói ra đều có thể ảnh hưởng đến mạng sống”. Với những bạn trẻ đang học ngành Ngôn ngữ hay còn băn khoăn hướng đi, lời khuyên của chị rất đơn giản: Hãy thử, hãy trải nghiệm. Miễn không hại mình, hại người, thì cứ bước đi.
Bước tiếp và cho đi – Hành trình gián tiếp tìm sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân của Phiên dịch viên Y khoa Nguyễn Thu
Hiện tại, nữ Phiên dịch viên Y khoa Nguyễn Thu đang ấp ủ một dự án cá nhân với chuỗi khóa học Luyện thi PTE Online Recording và Tiếng Anh giao tiếp các cấp – một hướng đi song song để chia sẻ kinh nghiệm học và dịch ngôn ngữ. Cô nói, chỉ khi đã vững vàng trong lĩnh vực Y khoa, cô mới dám quay lại với sứ mệnh đào tạo. Không phải trên bục giảng như trước đây, mà là một hình thức mới: truyền lại những bài học được đúc kết từ giông bão của nghề.

Hành trình của chị Nguyễn Thị Thu là một lựa chọn đầy dũng cảm: gác lại vùng an toàn để đối diện ranh giới sống chết, những cuộc hội thoại không cho phép sai sót, và dùng tri thức cùng bản lĩnh để giữ lại từng nhịp thở. Chính sự bền bỉ ấy đã kể nên một câu chuyện đủ sức khiến người ta dừng lại, suy nghĩ và thấu cảm.
Hẹn gặp lại quý độc giả trong các chuyên mục tiếp theo!