TCDN24H – Trong thời đại số hóa, khi công nghệ dần thống trị mọi mặt của cuộc sống, nhiều người tự hỏi liệu chữ viết tay có còn giữ được vị trí quan trọng trong nền giáo dục hiện đại? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ sâu sắc từ cô giáo Trần Thị Mùi để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Cô giáo Trần Thị Mùi – Luyện nét chữ chính là rèn nết người
Cô giáo Trần Thị Mùi, sinh năm 1991, là giáo viên tại trường tiểu học Thanh Thuỷ. Bên cạnh công việc giảng dạy, cô còn giữ vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ chữ đẹp Hà Nam và điều hành Trung tâm luyện chữ đẹp Xuân Mai tại Hà Nam.
Dạ, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chữ viết tay dường như đang dần bị lấn át bởi chữ đánh máy và các thiết bị điện tử. Chị có suy nghĩ thế nào về sự thay đổi này ạ?
Trong bối cảnh công nghệ hiện nay phát triển không ngừng, có ý kiến cho rằng việc luyện chữ đã trở nên lỗi thời khi chúng ta có thể sử dụng máy tính để gõ văn bản đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi lại có quan điểm khác. Dù thời đại có thay đổi thế nào, việc luyện chữ vẫn rất quan trọng, không chỉ để viết đẹp mà còn giúp chúng ta rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì, và nhẫn nại. Người xưa thường nói “nét chữ, nết người,” ý chỉ rằng chữ viết không chỉ là công cụ lưu trữ và truyền tải thông tin, mà còn phản ánh tính cách của người viết.
Với sự phát triển của công nghệ, việc ghi chép bằng tay ngày càng bị thay thế bởi máy tính và điện thoại, dẫn đến tình trạng chữ viết của học sinh ngày càng xấu đi. Nhiều em, từ tiểu học đến THPT, viết nhanh để kịp bài giảng mà không chú trọng đến chữ đẹp. Nếu thói quen này không thay đổi, các em có thể mất đi khả năng viết chữ đẹp.
Theo chị, việc luyện chữ đẹp, ngoài việc cải thiện kỹ năng viết tay, còn có thể giúp trẻ phát triển thêm những phẩm chất cá nhân nào khác không ạ?
Luyện chữ đẹp giúp trẻ bồi dưỡng những phẩm chất tốt như tính cẩn thận, tinh thần kỷ luật, và óc thẩm mỹ. Việc dạy tập viết từ lớp 1 không chỉ đơn thuần là học viết mà còn được kết hợp với các phần học khác như học vần và chính tả, giúp học sinh ghi nhớ bài vở một cách hiệu quả và nắm vững cấu trúc cơ bản của chữ cái tiếng Việt. Qua đó, trẻ không chỉ hoàn thiện kỹ năng viết mà còn phát triển tư duy logic và khả năng ghi nhớ lâu dài.
Việc rèn chữ đẹp cho học sinh không chỉ giúp các em viết đúng, viết đẹp mà còn đóng góp quan trọng trong việc hình thành tính cách và thái độ cẩn thận, tỉ mỉ trong cuộc sống. Đây là nền tảng vững chắc giúp các em phát triển toàn diện và đạt được thành công trong tương lai.
Cùng cô Trần Thị Mùi khơi dậy niềm đam mê luyện chữ đẹp – Vai trò quan trọng của một giáo viên
Vậy theo chị, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phổ biến, làm thế nào để chúng ta có thể khơi dậy hứng thú luyện chữ đẹp cho trẻ em?
Việc giúp cho trẻ yêu thích luyện chữ thật sự không dễ dàng. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có sự kiên trì, tình yêu trẻ và lòng nhiệt huyết. Nhiều em đến lớp luyện chữ mà chưa hiểu lớp học sẽ như thế nào, học được gì, cô giáo ra sao. Một số em thì nhút nhát, sợ sệt, có em còn khóc đòi về, một số khác lại cảm thấy bị ép buộc, không thoải mái, nên viết ẩu, thậm chí còn viết chống đối. Hiểu được tâm lý này, ngay từ buổi học đầu tiên, tôi cố gắng làm quen, tạo sự gần gũi với các em để các em thấy việc đến lớp không phải là áp lực. Với tâm thế thoải mái, các em không chỉ rèn chữ mà còn rèn luyện cả tâm hồn. Tôi thường tổ chức các trò chơi với con chữ hoặc vẽ tranh để giảm bớt căng thẳng.
Chị có cảm thấy điều gì đặc biệt từ các em sau khi các em đã quen thuộc với lớp học của mình không?
Có chứ. Nhiều em đã từng chia sẻ với tôi rằng: “Cô ơi, con rất thích đi học luyện chữ, vì ở lớp luyện chữ con cảm thấy thoải mái, không bị gò bó”. Những câu nói ngây thơ ấy khiến tôi thêm yêu mến học sinh và yêu nghề mình đã chọn. Mong muốn của tôi là lan tỏa niềm đam mê luyện chữ đến với các em nhỏ, phụ huynh, các cô giáo, và tất cả những ai yêu thích chữ viết. Tôi luôn cố gắng mỗi ngày để mang đến nhiều điều thú vị hơn từ lớp học nhỏ của mình.
Để các con có thể thực sự thích luyện chữ đẹp, ngoài sự nỗ lực của cô và trò, thì vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng. Vậy chị có mong muốn gửi gắm điều gì đến các bậc phụ huynh không?
Tôi hy vọng rằng các bậc phụ huynh hãy dành thời gian, cùng con tìm hiểu và trân trọng nét đẹp của chữ viết, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của chữ Việt trong xã hội hiện đại. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bậc phụ huynh là: “Thấu hiểu để yêu thương”. Khi chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc luyện chữ, chúng ta sẽ biết cách yêu thương, hỗ trợ con cái một cách đúng đắn nhất.
Cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của cô giáo Trần Thị Mùi. Đó sẽ là những lời khuyên quý báu giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con cái trong hành trình rèn luyện chữ viết. Hy vọng rằng, qua sự thấu hiểu và yêu thương, phụ huynh sẽ góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê luyện chữ và giữ gìn nét chữ Việt trong thế hệ trẻ.