Giáo dục

Cô giáo Huyền Chang – Người thầm lặng giữ lửa nét chữ Việt

TCDN24H – Trong nhịp sống hiện đại nơi công nghệ chiếm lĩnh mọi góc nhỏ đời sống, có những con người vẫn lặng lẽ giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống đẹp đẽ. Nhân dịp lễ 30/4 – 1/5, chúng tôi xin dành lời tri ân tới những tâm hồn bền bỉ ấy, bằng câu chuyện về cô giáo Huyền Chang – người sáng lập Luyện chữ đẹp Chang Kưm, ngôi nhà nhỏ nơi tình yêu với chữ Việt được ươm mầm từ những đường bút đầu tiên.

Sinh năm 1994 tại phường Cải Đan, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Huyền Chang từ sớm đã mang trong mình tình yêu sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là với nghệ thuật chữ viết tay. Cô kiên trì chọn cho mình một hành trình giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp mộc mạc, chân thật của nét chữ người Việt.

Chữ viết tay – nhịp cầu của cảm xúc và văn hóa

Khi được hỏi về vai trò của chữ viết tay trong thời đại công nghệ, cô giáo Huyền Chang chia sẻ bằng ánh mắt sáng ngời: “Chữ viết tay truyền tải nội dung, chạm đến cảm xúc người nhận. Nó khơi gợi sự sáng tạo, rèn luyện tính cách, kỹ năng sống và hơn hết, giữ gìn bản sắc văn hóa. Chữ viết tay tạo ra một không gian rất riêng, nơi mỗi nét chữ như một hơi thở chậm rãi giữa dòng chảy số hóa đầy vội vã”.

Cô giáo Huyền Chang thắp sáng tình yêu chữ Việt qua từng nét chữ
Cô giáo Huyền Chang thắp sáng tình yêu chữ Việt qua từng nét chữ

Chị tin rằng trong thế giới công nghệ số, khi tất cả mọi thứ có thể sao chép và gửi đi trong nháy mắt, những dòng chữ viết tay vẫn mang trong mình một sự chân thành không thể thay thế. Việc luyện chữ đẹp vì thế là cả một hành trình gắn kết cảm xúc, lưu giữ truyền thống và trao gửi yêu thương.

Những niềm vui giản dị từ hành trình thầm lặng

Trong hành trình gắn bó với Luyện chữ đẹp Chang Kưm, điều khiến cô giáo Huyền Chang cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc nhất chính là tiếng cười của trẻ thơ bên những trang giấy, là tình yêu với tiếng Việt được thắp lên trong từng nét chữ. Với chị, “tiếng Việt còn thì nước ta còn”, một câu nói đơn sơ nhưng ẩn chứa tình yêu nước nồng nàn, thôi thúc chị mỗi ngày bền lòng với con đường mình đã chọn.

Nâng niu từng con chữ, yêu thương từng tâm hồn của những mầm non tương lai của đất nước

Cô giáo Huyền Chang nhận thấy những thay đổi tích cực rõ rệt ở học viên của mình: các em trở nên tỉ mỉ, kiên nhẫn, tập trung hơn và hình thành tư duy có trật tự, ngăn nắp. Trong từng lớp học nhỏ, một thế hệ trẻ đang được rèn luyện không chỉ bàn tay mà còn cả nhân cách, điều mà Huyền Chang luôn xem là sứ mệnh lớn nhất của mình.

Giữ hồn Việt bằng từng đường bút

Mở rộng giá trị, chạm đến chiều sâu

Nhận thấy sức mạnh lan tỏa từ việc rèn chữ, Huyền Chang còn mở rộng mô hình, hướng đến việc đào tạo giáo viên luyện chữ đẹp. Đối với chị, đây vừa là truyền đạt kỹ thuật, và khơi gợi một hành trình “thiền – tĩnh – chữa lành” cho người lớn giữa cuộc sống đầy bộn bề. “Người lớn học luyện chữ, là học cách quay về bên trong, nuôi dưỡng sự kiên nhẫn, tập trung và lắng nghe chính mình”, chị Chang chia sẻ.

Luyện chữ đẹp Chang Kưm vì thế không đơn thuần là trung tâm luyện chữ, mà còn trở thành nơi gìn giữ cảm xúc, kết nối tâm hồn và văn hóa truyền thống. Trong mỗi lớp học, chị Chang gieo vào học viên một tình yêu với nét chữ Việt, để rồi từ đó, mỗi người lại trở thành một ngọn đuốc nhỏ, lan tỏa ánh sáng yêu thương, sự kiên nhẫn và tự hào dân tộc.

Rèn chữ, rèn tâm, rèn nhân cách – Sứ mệnh của Luyện chữ đẹp Chang Kưm

Hành trình lan tỏa từ tâm

Nhìn về tương lai, cô giáo Huyền Chang đã có những kế hoạch rõ ràng và đầy tâm huyết cho Luyện chữ đẹp Chang Kưm. Với học sinh, mục tiêu của chị là giúp các em hình thành nét chữ đẹp song hành cùng nề nếp, kỷ luật và sự tự trọng. Với giáo viên, chị mong muốn bồi dưỡng một thế hệ nhà giáo không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn truyền cảm hứng sống đẹp, giữ gìn giá trị dân tộc.

Đặc biệt, với phụ huynh, chị Chang luôn dành sự quan tâm đặc biệt: “Phụ huynh chính là người thầy đầu tiên của con. Khi cha mẹ yêu và trân trọng việc viết tay, họ sẽ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho con trẻ”.

Không quá ồn ào, không phô trương, hành trình của cô giáo Huyền Chang và Luyện chữ đẹp Chang Kưm vẫn lặng lẽ như dòng sông chảy mãi. Giữa những xô bồ của nhịp sống hiện đại, chính những người thầm lặng như chị đang góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa Việt Nam, từ những điều tưởng chừng nhỏ bé nhất.

Bài viết liên quan

Nam sinh Quốc học Huế xuất sắc giành vòng nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 24

admin

Cô giáo Thanh Thảo – Hành trình miệt mài với sứ mệnh gieo mầm vốn Anh ngữ tại miền quê Quảng Nam

admin

Thạc sĩ Vũ Thị Thái Hoa: Viên ngọc giọng nói – Trang sức của phụ nữ Việt

admin

Để lại một bình luận